Các xét nghiệm máu khi mang thai là một phần của chương trình khám tiền sản. Một số xét nghiệm dành cho tất cả phụ nữ, nhưng một vài xét nghiệm chỉ được cung cấp nếu bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc tình trạng di truyền cụ thể.Tất cả các xét nghiệm tiền sản được thực hiện để kiểm tra bất cứ yếu tố có thể gây ra vấn đề trong khi mang thai hoặc sau khi sinh. Ngoài ra, các xét nghiệm này có thể giúp kiểm tra xem thai nhi có khỏe mạnh không. Dưới đây là một số loại xét nghiệm máu khi mang thai bác sĩ thường yêu cầu.
Những điều bạn cần biết về xét nghiệm máu khi mang thai
Nhóm máu,yếu tố Rh và sàng lọc kháng thể
Trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra máu để xem nhóm máu của bạn là loại O, A, B hay AB và có phải là Rh âm tính hay không.
Nếu nhóm máu của bạn là Rh âm tính, bạn sẽ được tiêm globulin miễn dịch Rh ít nhất một lần trong khi mang thai và một lần khác sau khi sinh nếu con bạn có Rh dương tính.
Mũi tiêm này sẽ bảo vệ bạn khỏi việc phát triển các kháng thể có thể gây nguy hiểm trong thai kỳ này hoặc trong các lần mang thai sau. (Lưu ý: nếu bố Rh âm, con cũng sẽ Rh âm, do đó bạn không cần tiêm mũi này).
Bác sĩ cũng kiểm tra máu của bạn để xác định các kháng thể Rh cũng như một số kháng thể khác có thể ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn.
Công thức máu toàn phần
Công thức máu toàn phần sẽ cho biết bạn có quá ít huyết sắc tố trong các tế bào hồng cầu (một dấu hiệu của thiếu máu) hay không và nếu có, thì đó có phải là do thiếu sắt hay không.
Nếu bạn bị thiếu sắt, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên bổ sung sắt và ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như thịt nạc. Xét nghiệm này cũng giúp đếm số lượng tiểu cầu và bạch cầu. (Bạch cầu tăng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng).
Xét nghiệm miễn dịch rubella (sởi Đức)
Xét nghiệm này còn được gọi là chỉ số rubella, giúp kiểm tra nồng độ kháng thể đối với virus rubella trong máu để xem bạn có miễn dịch với nó không. Đa số phụ nữ đều có miễn dịch với rubella, vì họ đã được tiêm phòng hoặc mắc bệnh này khi còn nhỏ.
Khi mang thai, virus rubella có thể gây sẩy thai, sinh non hoặc thai chết lưu, cũng như các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, tùy thuộc vào mức độ nhiễm virus. Vì vậy, nếu bạn không được miễn dịch, điều rất quan trọng là hãy tránh tiếp xúc với người bị nhiễm và không du lịch đến những nơi thường xuyên xảy ra bệnh Rubella.
Mặc dù không thể tiêm vắc xin khi đang mang thai, bạn nên tiêm vắc xin sau khi sinh để bảo vệ cho lần mang thai tới. Siêu âm độ mờ da gáy tuần bao nhiêu ?
Xét nghiệm viêm gan B
Nhiều phụ nữ mắc bệnh viêm gan B không có triệu chứng và vô tình có thể truyền virus cho thai nhi trong lúc chuyển dạ hoặc sau khi sinh.
Xét nghiệm viêm gan B sẽ giúp bác sĩ xác định bạn có mang mầm bệnh viêm gan B hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ bảo vệ con bạn bằng cách tiêm globulin miễn dịch viêm gan B và mũi tiêm vắc xin gan B đầu tiên cho trẻ trong vòng 12 giờ sau khi sinh. (Bé sẽ được tiêm mũi thứ hai lúc 1 hoặc 2 tháng tuổi và mũi thứ ba lúc 6 tháng). Tất cả các thành viên trong gia đình nên được xét nghiệm và tiêm phòng nếu bạn là người mang mầm bệnh.
Sàng lọc giang mai
Giang mai là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) tương đối hiếm gặp ngày nay, nhưng tất cả phụ nữ nên được kiểm tra vì nếu mắc bệnh giang mai và không điều trị, cả bạn và em bé đều có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng. Trong trường hợp không chắc kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
Xét nghiệm HIV
Các chuyên gia y tế luôn khuyến nghị tất cả phụ nữ mang thai nên kiểm tra virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), nguyên nhân gây ra bệnh AIDS. Nếu xét nghiệm dương tính với HIV, bạn và em bé sẽ được điều trị để duy trì sức khỏe và giảm đáng kể khả năng em bé bị nhiễm virus HIV.
Xét nghiệm máu khác
Nếu không chắc mình đã từng bị thủy đậu hay đã được tiêm vắc xin phòng ngừa, bạn sẽ được làm xét nghiệm kiểm tra xem có miễn dịch với các bệnh này không. Nếu bạn thuộc đối tượng nguy cơ cao của bệnh tiểu đường, xét nghiệm khả năng dung nạp glucose (đường) sẽ được thực hiện trong lần khám thai đầu tiên.
Ngoài ra, tất cả phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu nên sàng lọc hội chứng Down và một số bất thường nhiễm sắc thể khác, bằng cách làm xét nghiệm máu và siêu âm để xem độ mờ da gáy của em bé.
Các bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm máu khác để tầm soát rối loạn di truyền, tùy thuộc vào tình huống và yêu cầu của bạn. Một số trong số này, như xét nghiệm bệnh xơ nang, có thể được thực hiện ngay cả khi bạn không thuộc nhóm có nguy cơ cao.
Thông thường, các kết quả xét nghiệm sẽ được bác sĩ thông báo và giải thích trong lần khám tiếp theo, nếu không có những bất thường cần được giải quyết ngay.
No comments:
Post a Comment